Hà Nội là thành phố có nhiều cây xanh bóng mát. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa như vũ bão những năm gần đây, cộng với những bất cập trong công tác quản lý, quy hoạch và hạn chế trong ý thức của nhiều người dân... đang làm cho bộ mặt cây xanh nhiều nơi trở nên nham nhở, nhiều khu vực thiếu cây xanh bóng mát trầm trọng, tình trạng ô nhiễm không khí chậm được cải thiện. Mỗi năm đã có hàng ngàn cây xanh bị chặt đi vì nhiều lí do, còn những cây mới trồng thì không phải ngày một ngày hai là trở nên xanh tốt.
Một cây sao đen hơn 100 năm tuổi ở phố Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng bị người dân đóng đinh ốc nham nhở.
Cây sấu trên đường Khuất Duy Tiến biến thành nơi cất đồ của hàng bán nước ven đường.
Cây bàng trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân thì gánh thay chức năng của cột điện.
Gốc cây trang trí cho nhà hàng trên phố Phan Bội Châu, quận Hoàn Kiếm.
Còn trên đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, thân cây hoa sữa được tận dụng để treo đồ cho một cửa hiệu sửa xe.
Sau khi băng rôn quảng cáo được gỡ bỏ, chi chít dây thép còn mắc lại trên một thân cây ở đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy.
Treo biển quảng cáo và "hun khói" cây xanh trên đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân.
Hàng cây cổ thụ trên phố Kim Mã, Ba Đình được di chuyển để phục vụ việc thi công tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội, để lại sự nuối tiếc đối với nhiều người dân Thủ đô. Ảnh: Thùy Linh.
Một cây mới trồng chết khô đã lâu trên đường Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân.
Vỉa hè trên đoạn đường từ phố Nghĩa Tân thông sang phố Tô Hiệu, quận Cầu Giấy, nhiều cây chết, chặt bỏ đã lâu nhưng chưa được trồng cây mới.
Nhiều cây trên đường Nguyễn Ngọc Vũ, quận Cầu Giấy mới được trồng nhưng dường như không có dấu hiệu của sự sống, trong khi cây cùng trồng bên cạnh thì bắt đầu xanh tốt.
Một số cây mới trồng bị đổ nghiêng ở khu vực Bắc Linh Đàm, quận Hoàng Mai không được nắn chỉnh. Ngoài ra, trên một đoạn đường nhưng có đến 3-4 loại cây cùng được trồng, khó có thể tạo dấu ấn đặc trưng riêng.
Giai đoạn từ 2016 - 2020, TP Hà Nội đặt mục tiêu trồng mới 1 triệu cây xanh, chủ yếu phát triển trên các tuyến phố cũ, các tuyến đường mới, trong các công viên cũ và mới. Bên cạnh đó, quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đưa Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố xanh; đồng thời hướng đến đảm bảo nguyên tắc "có đường là có cây xanh". Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, chắc chắn việc đạt được mục tiêu nói trên là không đơn giản, nhất là trong điều kiện công tác quản lý chưa chặt chẽ, thêm vào đó là trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến công tác quy hoạch, trồng và chăm sóc cây xanh của thành phố còn nhiều bất cập như hiện nay.